TỔNG THỐNG DONALD TRUMP VÀ THUẾ ĐỐI ỨNG – NHỮNG ĐIỀU NHÀ ĐẦU TƯ CẦN BIẾT.

  1. Tổng quan tình hình Thuế đối ứng
  • Vào ngày 5/4, Tổng thống Trump thông báo việc áp thuế tối thiểu 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ. Các quốc gia như Anh, Argentina, Úc, Brazil và Ả Rập Saudi nằm trong số những nước bị áp mức thuế này. 
  • Đến ngày 9/4, Mỹ tiếp tục tăng thuế mạnh đối với hàng hóa từ 60 quốc gia khác, bao gồm: 49% đối với hàng nhập khẩu từ Campuchia, 46% đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam, 20% đối với hàng hóa từ Liên minh châu Âu (EU).  
  • Riêng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc ban đầu dự kiến bị áp thuế 54% (tăng thêm 34% trên mức 20% có sẵn). Tuy nhiên, Trump đã nâng thuế lên 104% sau khi Trung Quốc tuyên bố sẽ “chiến đấu đến cùng” và từ chối bỏ mức thuế trả đũa 34% mà họ đang áp lên hàng hóa Mỹ. 
  • Nhà Trắng gọi mức thuế cao hơn này là “có tính đối ứng” (reciprocal), tức là phản ánh mức thuế mà các nước khác đang áp lên hàng hóa Mỹ, cộng thêm các chi phí tuân thủ quy định phi thuế quan. Tuy nhiên, không phải tất cả quốc gia bị áp thuế đều rơi vào tiêu chí này. Thực tế, thuế được tính dựa trên việc loại bỏ thâm hụt thương mại của Mỹ với từng quốc gia. 
  • Một số nước như Anh vẫn bị áp thuế dù họ mua hàng Mỹ nhiều hơn bán sang Mỹ. 
  • Trước đó, Trump cũng đã công bố mức thuế 25% đối với hàng hóa từ Mexico và Canada, cùng với 10% thuế đối với năng lượng nhập khẩu từ Canada, nhưng sau đó đã có một số miễn trừ và trì hoãn. 
  • Ngoài ra, Mỹ cũng áp thuế 25% lên tất cả sản phẩm thép, nhôm nhập khẩu và ô tô sản xuất ở nước ngoài. Thuế 25% đối với linh kiện ô tô sẽ có hiệu lực sau.

US, global recession forecasts grow with Trump's massive 'reciprocal'  tariffs now in place | CNN Business Tổng thống Donald Trump phát biểu về thuế quan tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng, Washington, DC, vào ngày 2 tháng 4. (Ảnh: Carlos Barria/Reuters)

  1. Phản ứng của các Quốc gia đối với Thuế đối ứng.
  • Việt Nam: Ngay sau khi Mỹ công bố chính sách thuế mới vào ngày 3/4, Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp chủ động và nhanh chóng để ứng phó. Chính phủ đã tổ chức các cuộc họp khẩn cấp, gửi công hàm ngoại giao đề nghị hoãn áp thuế, thành lập tổ công tác do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đứng đầu nhằm tăng cường hợp tác và thích ứng với các thay đổi trong chính sách kinh tế Mỹ. 

Tổng Bí thư Tô Lâm đã điện đàm với Tổng thống Donald Trump, đề xuất giảm thuế nhập khẩu từ Mỹ xuống 0% và đề nghị Mỹ áp mức thuế tương tự đối với hàng hóa Việt Nam. Việt Nam cũng cam kết tăng nhập khẩu từ Mỹ, với kế hoạch mua 250 máy bay Boeing, khí hóa lỏng (LNG) trị giá 6 tỷ USD và các sản phẩm khác trị giá hơn 90 tỷ USD. 

Ngoài ra, Việt Nam tích cực gỡ bỏ rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa Mỹ, đặc biệt là nông sản, và siết chặt kiểm soát để ngăn chặn gian lận xuất xứ, trung chuyển bất hợp pháp. 

  • Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cảnh báo rằng “hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng đối với hàng triệu người trên toàn cầu”. 
  • Canada đã áp thuế 25% đối với một số loại xe nhập khẩu từ Mỹ vào ngày 9 tháng 4. 
  • Thủ tướng Ý Giorgia Meloni – một đồng minh của Trump – cho rằng các mức thuế trả đũa là “sai lầm” nhưng bà sẽ làm việc để đạt được một thỏa thuận với Mỹ nhằm “ngăn chặn một cuộc chiến thương mại”. 
  • Tại Cộng hòa Ireland, Micheál Martin tuyên bố rằng không có “bất kỳ sự biện minh nào” cho các mức thuế “vô cùng đáng tiếc” này, vì chúng “không mang lại lợi ích cho ai cả”. 
  • Thủ tướng Australia Anthony Albanese nói rằng “đây không phải là hành động của một người bạn”. 
  • Quyền Tổng thống Hàn Quốc Han Duck-Soo cho biết “cuộc chiến thương mại toàn cầu đã trở thành hiện thực”. 
  • Nhật Bản tuyên bố mức thuế 24% là “vô cùng đáng tiếc” và có thể vi phạm các thỏa thuận của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng như các hiệp định giữa Mỹ và Nhật Bản.
  1. Diễn biến mới nhất từ tổng thống Donald Trump (10/04/2025) 

Tổng thống Donald Trump đã bất ngờ tuyên bố tạm dừng trong 90 ngày đối với tất cả các mức thuế có đi có lại có hiệu lực từ nửa đêm, ngoại trừ Trung Quốc. Quyết định này đánh dấu một sự đảo ngược đáng kể so với những tuyên bố cứng rắn trước đó về việc giữ nguyên các mức thuế cao kỷ lục.

Ngay sau thông báo, thị trường chứng khoán Mỹ phản ứng tích cực. Chỉ số Dow Jones tăng gần 3.000 điểm (+7,87%), S&P 500 tăng 9,5%, còn Nasdaq vọt lên 12,2%, đánh dấu ngày giao dịch tốt nhất kể từ tháng 10/2008.

Ngoài ra, cổ phiếu của Trump Media & Technology Group Corp (mã DJT) – công ty mẹ của Truth Social – đã tăng hơn 20% trong ngày thứ Tư sau khi giảm 13% trong tháng trước đó.

Việc hoãn áp dụng thuế sẽ giúp cho chính quyền Mỹ có thời gian đàm phán với các nước khác, tuy nhiên, để nhìn nhận tác động dài hạn của chính sách này, dưới đây là tóm tắt phân tích của một số chuyên gia:

  1. Nhận định của các chuyên gia

Liệu Trump có đạt được mục tiêu? 

Theo Tim SalmonGiáo sư Kinh tế tại Đại học Southern Methodist, Tổng thống Donald Trump tuyên bố rằng thuế quan sẽ giúp: 

(1) Thu về 6 nghìn tỷ USD từ các quốc gia khác   

(2) Thúc đẩy sản xuất trong nước, tạo ra việc làm và sự giàu có cho Mỹ.  

Tuy nhiên, về mặt toán học, hai điều này không thể cùng xảy ra. Nếu Mỹ thu được 6 nghìn tỷ USD từ thuế quan, điều đó có nghĩa là người Mỹ vẫn tiếp tục nhập khẩu thay vì chuyển sang sản xuất trong nước. Ngược lại, nếu sản xuất trong nước bùng nổ, việc nhập khẩu sẽ giảm và số tiền thu được từ thuế quan sẽ không tồn tại.  

Người ta cho rằng Mỹ không còn sản xuất nữa, nhưng thực tế sản xuất nội địa đang ở mức cao kỷ lục.Vậy tại sao số lượng việc làm trong ngành sản xuất lại giảm? Đó là vì các nhà máy hiện nay sử dụng robot chứ không phải con người. Việc làm trong ngành sản xuất không bị “cướp” bởi các nhà máy ở Mexico mà bị cướp bởi robot. Đây là điều mà mọi nhà kinh tế đều hiểu rõ từ lâu, ngoại trừ các chính trị gia đang cố bán cho bạn những chính sách tồi tệ và những khẩu hiệu “cảm giác tốt”. 

Ngay cả khi tăng sản xuất ở Mỹ, nó cũng không tạo ra nhiều việc làm cho con người. Chúng ta chỉ đơn giản là làm cho robot làm việc nhiều hơn. Giả sử công ty muốn mở rộng sản xuất tại Mỹ vào thời điểm hiện tại, những vấn đề bạn cần phải xem xét bao gồm:  

Đầu tiên, bạn phải xây nhà máy. Nhưng có một vấn đề: tất cả nguyên vật liệu để xây dựng nhà máy đều bị đánh thuế, khiến chi phí tăng cao hơn nhiều so với năm ngoái – trong khi ngay cả năm ngoái, trước khi bị đánh thuế, việc xây nhà máy đã không thực sự đáng để đầu tư. Chưa kể, các nguyên liệu đầu vào để sản xuất cũng bị đánh thuế, làm giá thành sản phẩm đội lên rất nhiều. 

Vấn đề thứ hai: Ai sẽ làm việc trong nhà máy đó? Nếu nhà máy cần nhiều lao động, thì hiện tại tìm công nhân rất khó. Nước Mỹ gần như đã hết lao động dư thừa, trong khi lại đang siết chặt nhập cư và trục xuất người nhập cư. Vì thế, muốn sản xuất, bạn gần như phải sử dụng robot. 

Về khả năng bán hàng: Xuất khẩu gần như không thể, vì các nước khác sẽ cấm hoặc đánh thuế hàng của bạn, và giá của bạn cũng quá cao để cạnh tranh. 

Theo nhận định của UBS, các tình huống có thể xảy ra: 

Tình huống cơ sở (xác suất 50% khả năng xảy ra), mức thuế quan sẽ được giảm so với công bố ban đầu, bởi chính Tổng thống đã mở lời mời đàm phán và Bộ trưởng Tài chính cũng cho biết các mức thuế mới chỉ là “mức cao nhất” và có thể được điều chỉnh nếu các nước có phản ứng tích cực. Tuy nhiên, quá trình này sẽ mất thời gian và trong ngắn hạn, Mỹ có thể còn tăng thuế nếu các quốc gia khác trả đũa. 

Tình huống tích cực (xác suất 20% khả năng xảy ra), thuế quan có thể được đảo ngược nhanh chóng – như trường hợp thuế với Mexico và Canada từng bị hủy chỉ sau vài ngày do sức ép từ doanh nghiệp. Tuy nhiên, lần này điều đó khó xảy ra vì tính biểu tượng chính trị và phạm vi áp thuế rộng lớn. 

Tình huống tiêu cực (xác suất 30% khả năng xảy ra) là các mức thuế vẫn duy trì hơn 3–6 tháng hoặc tăng thêm do các nước trả đũa. Trường hợp này có thể đẩy Mỹ vào suy thoái và buộc Fed phải cắt giảm lãi suất sâu hơn (khoảng 300 điểm cơ bản).
 

  1. Khuyến nghị đối với Nhà đầu tư (Theo các chuyên gia phân tích của UBS)
    5.1 Cổ phiếu
    Việc chuyển sang một kịch bản thuế quan mạnh mẽ hơn trong tuần qua đã góp phần làm gia tăng biến động trên thị trường chứng khoán. 

Sự biến động của thị trường có khả năng vẫn ở mức cao trong những tuần tới, khi các nhà đầu tư xem xét khả năng hạ cấp các dự báo tăng trưởng kinh tế và thu nhập của Mỹ, nguy cơ leo thang thuế quan theo kiểu “ăn miếng trả miếng”, và khả năng các mức thuế đã công bố sẽ được đàm phán giảm xuống. Tất cả những yếu tố này có thể dẫn đến một giai đoạn biến động kéo dài đối với chứng khoán Mỹ.   

Tuy nhiên, UBS tin rằng thị trường sẽ kết thúc năm với mức cao hơn và tiếp tục thấy tiềm năng dài hạn mạnh mẽ trong các lĩnh vực kinh doanh có tính đổi mới mạnh mẽ như trí tuệ nhân tạo, nâng cao tuổi thọ, năng lượng và tài nguyên. Các lĩnh vực này có thể bị ảnh hưởng trong ngắn hạn do các nhà đầu tư giảm rủi ro. Nhà đầu tư cũng có thể xem xét sử dụng các chiến lược tạo lợi nhuận từ lãi suất để hưởng lợi từ mức độ biến động hiện tại. 

Dù biến động thị trường đang cao, UBS cũng tin rằng khi bước vào nửa cuối năm, các tin tức mới có thể dần trở nên tích cực hơn. Khi các mức thuế đã được công bố, các cuộc đàm phán để giảm bớt chúng có thể bắt đầu. Doanh thu từ thuế có thể được sử dụng để bù đắp chi phí kéo dài cắt giảm thuế. UBS cũng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ phản ứng với tăng trưởng suy yếu bằng cách cắt giảm lãi suất. 

Các mức thuế mới sẽ có tác động tiêu cực đến châu Âu và Trung Quốc. Sau các đợt tăng trưởng thị trường từ đầu năm đến nay, một giai đoạn giảm rủi ro trong ngắn hạn là có thể xảy ra, đặc biệt nếu các biện pháp trả đũa được công bố. UBS giữ quan điểm trung lập đối với cả hai thị trường này.  

5.2 Các tài sản có thu nhập cố định (Fixed Income):  

UBS tin rằng các tài sản có thu nhập cố định chất lượng cao là một công cụ đa dạng hóa danh mục đầu tư hấp dẫn. Lợi suất trái phiếu vẫn duy trì ở mức tương đối cao trong những tuần gần đây, bất chấp sự biến động và lo ngại về tăng trưởng. Điều này tạo ra cơ hội cho các nhà đầu tư tìm kiếm thu nhập bền vững từ danh mục đầu tư và tối ưu hóa thu nhập bằng tiền mặt. 

Dù Fed đang đối mặt với tình huống khó khăn khi tăng trưởng có khả năng suy giảm và lạm phát có thể tăng lên do các mức thuế mới, UBS tin rằng nếu có dấu hiệu suy yếu trên thị trường lao động, Fed sẽ cắt giảm lãi suất nhanh hơn. Nỗi lo về khả năng thuế quan tồn tại lâu dài cũng có thể làm giảm kỳ vọng lãi suất dài hạn của Fed và hỗ trợ cho các tài sản có thu nhập cố định chất lượng cao. 

5.3 Tiền tệ và hàng hóa 

UBS cho rằng các nhà đầu tư có thể hưởng lợi từ sự biến động của tiền tệ bằng cách giao dịch theo biên độ trong các cặp EUR/USD, USD/CHF và GBP/USD. Xét riêng lẻ, thuế quan có tác động tích cực đến đồng USD, và trong các giai đoạn rủi ro gia tăng, đồng USD truyền thống cũng có xu hướng tăng giá. 

Tuy nhiên, hiệu ứng này có thể bị triệt tiêu do khả năng hạ thấp dự báo tăng trưởng và lãi suất tại Mỹ mạnh hơn so với các khu vực khác. Ngoài ra, dòng tiền đa dạng hóa rời khỏi tài sản định giá bằng USD do bất ổn chính trị cũng có thể làm suy yếu đồng tiền này về lâu dài. 

Nếu các rủi ro giảm đối với triển vọng tăng trưởng đi kèm với việc Fed cắt giảm lãi suất mạnh hơn dự kiến, đồng USD có thể suy yếu trong dài hạn. 

Trong khi đó, UBS kỳ vọng vàng, hiện đang trên mức 3.000 USD/ounce, sẽ tiếp tục đóng vai trò là công cụ phòng ngừa rủi ro địa chính trị và lạm phát. Mục tiêu giá vàng của UBS vào cuối năm là 3.200 USD/ounce theo kịch bản cơ bản, nhưng kim loại này có thể giao dịch ở mức cao hơn nếu thuế quan duy trì lâu hơn dự kiến.  

Bài viết trên được tổng hợp từ các nguồn sau đây: 

NEWSLETTER REGISTER

Vui lòng bật JavaScript trong trình duyệt của bạn để hoàn thành Form này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *